Trong những năm qua, ngành giáo dục Điện Biên Đông đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non. Qua đó, tỷ lệ học sinh mầm non ra lớp theo đúng độ tuổi đạt 100%, học sinh dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường Mầm non Sao Mai xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông có 21 giáo viên phụ trách 309 trẻ trong đó đa số trẻ là người dân tộc, hầu hết các trẻ khi đến lớp đều chưa nói sõi tiếng việt. Để trẻ có thể nói được tiếng Việt ngay từ nhỏ, nhà trường thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động tăng cường tiếng việt sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ...
Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích phụ huynh thường xuyên sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp ở nhà để tăng cường vốn từ cho trẻ. “Quan điểm chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường là khi dạy trẻ học tiếng Việt giáo viên phải luôn linh hoạt trong mọi tình huống, rèn cho trẻ tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Tạo cho các nhóm, lớp có nhiều cơ hội học tập và được hoạt động trong môi trường tiếng Việt như tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô giáo và những người xung quanh. Đặc biệt, các đồ dùng, đồ chơi trong lớp đều được dán kí hiệu bằng tiếng Việt.
Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên viết bằng chữ in thường lên các góc học, các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa, vườn rau để trẻ có thể luyện phát âm tiếng việt thành thạo; khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt. Trong quá trình dạy - học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo viên rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, tập viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt, sửa lỗi phát âm, dùng từ, đặt câu cho trẻ. Nhờ vậy, hàng năm, nhà trường đều đạt 100% trẻ ở các độ tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Trẻ đã nhận biết, phát âm tương đối đúng theo bộ chữ cái tiếng Việt, có kỹ năng cơ bản đối với trẻ 5 tuổi. Qua đó chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ trước khi bước vào lớp 1.