Để đảm bảo có nguồn thực phẩm sạch, nhà trường đã chỉ đạo các đồng chí giáo viên, nhân viên tận dụng những khu đất trống, để gieo trồng các loại rau cung cấp cho bữa ăn của trẻ. Bằng tất cả sự nhiệt tình với nghề, tấm lòng yêu thương trẻ, cô giáo điểm bản Keo Lôm 3 đã tranh thủ những ngày nghỉ, thời gian lúc sáng sớm và buổi chiều vun xới, chăm sóc cho những luống rau xanh tốt.
Tận dụng những khu đất trống, cô giáo đã tổ chức cho các em học sinh tiến hành trồng rau xanh trong các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp. Từ việc xới đất, gieo hạt, tưới cây đến chăm sóc, vun trồng, các em đều tự tay thực hiện. Từ một số loại rau dễ trồng ban đầu như cải mầm, rau muống đến nay vườn rau của cô và các con đã có thêm nhiều loại rau mới giúp học sinh mở rộng thêm kiến thức về đặc điểm phát triển của các loại rau, cũng như hiểu rõ cách chăm sóc, vun trồng từng loại cây, qua đó góp phần hình thình thói quen bổ sung rau vào thực đơn ăn uống của gia đình. Nhiều năm học gần đây vườn rau của các nhà trường luôn xanh tốt, các em học sinh đã có kinh nghiệm trồng rau vì thế cả cô và trò đều rất hào hứng với công việc này. Mùa nào thức ấy, bốn mùa, học sinh nhà trường đều có rau xanh để cải thiện bữa ăn, đảm bảo chất lượng, tạo cảnh quan xanh mát trong khuôn viên nhà trường.
Việc trồng rau xanh ở góc thiên nhiên của lớp, ngoài hành lang, ở sân trường, góc vườn trong trường mầm non ngoài tác dụng xanh hóa môi trường, tạo cảnh quan cho trường mầm non góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp và còn tạo điều kiện cho giáo viên có đầy đủ cơ sở vật chất và là phương tiện giúp giáo viên hướng dẫn, dạy trẻ giáo dục bảo vệ môi trường đạt kết quả cao. Ngoài ra việc tạo môi trường cây xanh ở vườn trường còn là điều kiện, phương tiện quan trọng để tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ, phát triển về thể chất và tinh thần, trẻ được tự do vận động và là nơi vui chơi của trẻ và tạo điều kiện cho trẻ được phát và tìm hiểu thế giới thiên nhiên trẻ hiểu biết về sự đa dạng của thế giới thực vật, về quá trình phát triển và nhu cầu sống của cây xanh, hình thành ở trẻ các kỹ năng trồng cây, chăm sóc cây xanh, ý thức bảo vệ cây trồng và yêu thích công việc trồng cây. Góp phần thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tạo môi trường để thực hiện các nội dung về phát triển thể lực
nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc, tình cảm, thẩm mĩ của trẻ.
Như vậy việc xây dựng vườn rau sạch cho trẻ không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, đáp ứng nguồn thực phẩm an toàn cho nhà bếp, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, mà còn tạo nên một môi trường sư phạm thân thiện, gần gũi với trẻ đồng thời giúp cho trẻ có thêm vốn hiểu biết về thế giới xung quanh, thêm yêu trường, yêu cô và mến bạn.