Nhận thức rõ việc trang bị
tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số có ảnh hưởng lớn đến
kết quả học tập của các em. Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho
trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2016-2020, định hướng đến năm 2025″ việc dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số tại trường Mầm non Sao Mai đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Không như học sinh người Kinh, trước khi đến trường đa số học sinh người dân tộc thiểu số chưa thể sử dụng được tiếng Việt. Vì vậy, trong quá trình lên lớp, việc giao tiếp thông thường với thầy, cô giáo của các em không chỉ khó khăn mà thậm chí là không thể. Việc nghe giảng những
kiến thức bằng tiếng Việt lại càng khó khăn hơn đối với các em. Điều này ảnh hưởng đến tiếp thu và
hứng thú học tập của các em. Khó khăn của các em cũng chính là thách thức, trách nhiệm đặt lên vai những
người thầy trong quá trình giảng dạy. Trường mầm non Sao mai có 99,7% trẻ là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc Mông) nên nhiều năm qua ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên Trường MN Sao Mai (Điện Biên Đông) luôn quan tâm và tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh.
Trước thực tế đó, nhà trường và tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho các em phù hợp với tình hình thực tế nhà trường và địa phương. Trong thực hiện kế hoạch nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức cho giáo viên là người Kinh được bồi dưỡng và học tiếng dân tộc, bảo đảm cho giáo viên dạy học sinh là người dân tộc thiểu số biết tiếng mẹ đẻ của trẻ để giao tiếp, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Quan điểm chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường là khi dạy trẻ học tiếng Việt, giáo viên luôn linh hoạt trong mọi tình huống, rèn cho trẻ tự tin trong
giao tiếp tiếng Việt. Tạo cho các nhóm, lớp có nhiều cơ hội học tập và được hoạt động trong môi trường tiếng Việt như: tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ – trẻ, giữa trẻ – cô và những người xung quanh. Với cách làm trên hơn 95% trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đều giao tiếp thông thạo tiếng Việt.
Có thể thấy, khó khăn về giao tiếp tiếng Việt chính là rào cản lớn nhất của các trẻ dân tộc thiểu số khi đến trường. Cũng từ việc thực hiện đề án, giáo viên đã biết chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, cho trẻ tập nói tiếng Việt trong các hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp ở mọi lúc, mọi nơi. Trường có giáo viên là người địa phương và người biết tiếng dân tộc nên chất lượng, phương pháp và kỹ năng dạy trẻ phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Đầu mỗi năm học nhiều trẻ dân tộc thiểu số vẫn nói tiếng mẹ đẻ khi đến trường, chưa biết sử dụng tiếng Việt, hoặc sử dụng chưa thành thạo, nhưng sau khi đến trường học 100% trẻ đã biết sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp…
Hiện nay, ngôn ngữ sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta là tiếng Việt. Nên việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN dân tộc thiểu số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ, bảo đảm cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, để hoàn thành chương trình giáo dục MN, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp học tiếp theo và là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ của trẻ cho giáo viên dạy các nhóm, lớp vùng dân tộc thiểu số. Có giải pháp bố trí đủ giáo viên cho những nhóm, lớp có đông trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt quan tâm đến việc vận động gia đình tạo điều kiện để trẻ đi học chuyên cần, thường xuyên sử dụng tiếng Việt ở gia đình và cộng đồng.